TIN CHÍNH CỦA XÃ TIN CHÍNH CỦA XÃ

5 vấn đề chính cần làm để thực hiện chuyển đổi số
Ngày đăng 24/09/2024 | 16:55  | Lượt xem: 35

Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, phức tạp, thực hiện trong nhiều năm, bao gồm nhiều bước. Vì vậy, cần có tầm nhìn xa nhưng chia mục tiêu và lộ trình thành nhiều phần nhỏ, bước nhỏ để thực hiện, các yếu tố tác động đến chuyển đổi số có sự liên quan mật thiết và tác động đen xen, phức tạp.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đề cập gần một thập kỷ trước đã chỉ rõ môi trường sống và phát triển của con người đã thay đổi sâu sắc do những tiến bộ đột phá của khoa học và công nghệ, mở ra cho con người một kỷ nguyên mới. Đã có nhiều văn bản của Đảng và Chính phủ về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như về Chuyển đổi số– vốn được xem là cốt lõi của cuộc cách mạng này. Bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngày 2/9/2024 khẳng định: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ… Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – “phương thức sản xuất số”.

5 vấn đề cốt lõi cần thực hiện khi chuyển đổi số.

Trong tám hợp phần của hệ sinh thái thực số có ba hợp phần ảnh hưởng quyết định đến hoạt động của tổ chức là con người, thể chế và công nghệ. Quá trình chuyển đổi số tổ chức là thay đổi ba hợp phần này để thông qua đó tạo ra sự thay đổi về ba mặt hoạt động, về năng lực dữ liệu và kết nối về đảm bảo an ninh an toàn theo định hướng mong muốn. Bởi vì đây là một quá trình chuyển đổi phức tạp nên việc quản lý sự thay đổi là rất quan trọng để đảm bảo chuyển đổi số thành công. Để quản lý sự thay đổi cần xây dựng được một lộ trình phù hợp và có cơ chế, công cụ để quản trị thực thi.

1. Con người.

Đối với con người có ba nội dung: nhận thức, năng lực số và văn hoá đổi mới sáng tạo. Nhận thức của con người là yếu tố quan trọng và quyết định nhất của chuyển đổi số. Nhận thức ở đây bao gồm nhận thức sâu sắc về việc phải chuyển đổi số và làm chuyển đổi số thế nào. Năng lực số của các cá nhân trong một tổ chức là các kiến thức và kỹ năng cần cho công việc của cá nhân đó trên môi trường thựcsố. Năng lực số của một tổ chức là năng lực làm việc nhóm với dữ liệu, với các nền tảng, quản trị tri thức, và khả năng thu nhận kiến thức, kỹ năng từ nguồn bên ngoài. Văn hóa đổi mới sáng tạo của một tổ chức là khả năng chấp nhận cái mới, cái đột phá, chấp nhận mạo hiểm, sẵn sàng chia sẻ ý tưởng, kiến thức, kỹ năng, và dữ liệu giữa các thành viên trong tổ chức. Tổ chức cần làm sao để văn hóa đổi mới sáng tạo ngấm sâu vào mỗi thành viên, mỗi người cần luôn tự hỏi có cách nào làm việc đang làm tốt hơn không và mạnh dạn đưa ra tập thể thảo luận.

Ở đây cần nhận thức con người là động lực của chuyển đổi số nhưng đồng thời cũng có thể là lực cản lớn nhất trong chuyển đổi số. Thể chế có thể được thiết kế lại, công nghệ có thể bỏ tiền ra mua nhưng nếu con người chưa có ý thức về tính tất yếu của sự thay đổi, không tự nâng cao năng lực bản thân, bổ túc các kỹ năng số cần thiết hay không xây dựng được văn hóa chia sẻ, văn hóa đổi mới sáng tạo thì chuyển đổi số của tổ chức không thể thành công.

2. Thể chế.

Về thể chế cần thấy rõ là hầu hết các điều luật, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành được xây dựng từ trước khi có môi trường số, nên rõ ràng việc xây dựng thể chế cho những thay đổi trên môi trường số là điều kiện cần của chuyển đổi số. Có thể nói nếu không có một thể chế phù hợp cho môi trường số, chuyển đổi số sẽ không thể thành công. Có ba vấn đề chính phải hoàn thiện thể chế. Một là hành lang pháp lý, ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền, cần tuân theo. Hai là tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo cho sự kết hợp, kết nối và chia sẻ bên trong và bên ngoài, và mỗi tổ chức cần lựa chọn tuân thủ các tiêu chuẩn chung và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nội bộ của mình. Ba là định chế nội bộ, gồm các quy định của tổ chức dưới các dạng khác nhau cho hoạt động.

Trong chuyển đổi số, tổ chức có thể và cần phải sửa đổi lại các quy trình, các mẫu biểu báo cáo, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức nội bộ của mình cho phù hợp với tiến trình chuyển đổi số. Dấu hiệu dễ thấy nhất (và trên thực tế khá phổ biến) của tính không đồng bộ của thể chế nội bộ khi chuyển đổi số là sau khi đưa một hệ thống công nghệ vào hoạt động, nhân viên công ty bên cạnh trách nhiệm hoàn thành các mẫu biểu báo cáo cũ lại thêm một việc là nhập dữ liệu vào máy tính. Việc tăng tải này dẫn đến nhân viên không muốn sử dụng hệ thống mới và tìm mọi lý do chính đáng và không chính đáng để biện minh cho việc không sử dụng hệ thống mới.

3. Công nghệ.

Công nghệ số là một phần quyết định của chuyển đổi số. Việc đầu tư công nghệ cần tiến hành đồng bộ với tiến trình chuyển đổi số của tổ chức, tránh tình trạng đầu tư manh mún, không đáp ứng được yêu cầu nhưng đồng thời cũng tránh khuynh hướng đầu tư thái quá, đón đầu quá xa dẫn đến lãng phí nguồn lực do vòng đời công nghệ ngày càng ngắn.

4. Lộ trình chuyển đổi.

Mỗi hoạt động chuyển đổi số dù nhỏ dù lớn đều đòi hỏi xây dựng một lộ trình chi tiết. Thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số tổ chức là quán tính của hệ thống, việc lựa chọn lộ trình một cách khéo léo là cần thiết để giảm bớt các lực cản không đáng có.

5. Quản trị thực thi.

Lộ trình chi tiết là cơ sở để quản trị thực thi một cách hiệu quả, cụ thể ở đây là giao đúng người đúng việc, có yêu cầu tường minh đối với kết quả công việc, thời hạn và nguồn lực cụ thể được phép sử dụng, có đánh giá và thưởng phạt công minh theo kết quả công việc. Có thể nói không có một hệ thống quản trị thực thi hiệu quả thì thành bại của chuyển đổi số chỉ là chuyện may rủi.

Chuyển đổi số là thay đổi để thích nghi và phát triển trên môi trường thực-số, và chuyển đổi sổ chỉ có thể thành công nếu được thực hiện với tinh thần cách mạng, như tinh thần chúng ta đã có trong Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước. Tinh thần đó cần bắt đầu từ người đứng đầu tổ chức và lan toả được đến mọi thành viên của tổ chức. Tinh thần quyết tâm của lãnh đạo và tổ chức là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, mà còn phải biết cách làm chuyển đổi số. Trong hơn hai năm qua, phương pháp luận ST-235 đã được trình bày, chia sẻ, vận dụng ở nhiều doanh nghiệp, tổ chức, địa phương và dần hoàn thiện với các góp ý và trải nghiệm. Thực tế chỉ ra rằng ST-235 là một giải pháp có ích về cách làm chuyển đổi số của các doanh nghiệp, các địa phương, các hoạt động kinh tế-xã hội. Thúc đẩy chuyển đổi số cần gắn với chuyển đổi xanh với mục tiêu “chuyển đổi kép công bằng”, xu hướng phát triển quan trọng của thế giới hiện đại với ý nghĩa sâu sắc: phát triển nhanh nhưng bền vững, chuyển đổi nhưng không để ai lại phía sau.

Phòng VHTT huyện